Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

[Người truyền lửa]: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nghị lực - thành công và cuộc đời đầy ắp những bất ngờ

Có thể nói, trong cuộc đời mình, Trần Ngọc Thêm không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để tận hiến cho khoa học. Cuộc đời ông giống như một cuốn phim, mà ở đó, ông đã tham gia đóng nhiều vai và ở vai nào thì ông cũng rất thành công, cũng thể hiện mình một cách xuất sắc nhất. Về điều này, ông từng chia sẻ: “Cuộc đời tôi ít có sự lựa chọn và luôn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Chính vì không có lựa chọn nên muốn tồn tại, tôi buộc phải có nghị lực và quyết tâm cao mới có thể làm tốt được những việc mà lúc đầu mình không thích. Từ chỗ quyết tâm làm tốt dẫn đến hình thành lòng say mê, và sự say mê đã giúp mình càng làm tốt hơn”. Có lẽ cuộc đời ít được lựa chọn đó của ông đã mang đến cho ông nhiều điều bất ngờ, và đến lượt mình, những điều bất ngờ đó đã dẫn ông đến những thành công rất đáng tự hào, để đến ngày hôm nay ông đã có những đóng góp không nhỏ cho khoa học và đào tạo nước nhà, đặc biệt là trên hai lĩnh vực Ngôn ngữ học và Văn hóa học.


Những dấu ấn bất ngờ trên bước đường học tập
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm chào đời năm 1952 tại xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ thuở nhỏ ông cũng như bao đứa trẻ nông thôn khác, thường xuyên phải làm những công việc đồng áng. Là một đứa trẻ vốn ham chơi, nên ông thường xuyên bị cha phạt và đánh đòn vì những trò nghịch ngợm tai quái của mình. Tuy nhiên đó lại là những kỷ niệm đẹp và sâu sắc về tuổi thơ mà sau này mỗi lần nghĩ lại ông vẫn thấy chúng đã trở thành những dấu ấn ký ức không thể nào quên. Những năm học phổ thông, nhờ có tư chất thông minh, thành tích học tập của ông tuy không thật xuất sắc, nhưng vẫn để lại nhiều ấn tượng. Đặc biệt, ông có năng khiếu nghệ thuật từ rất sớm, mơ ướ về sau này sẽ thi vào đại học Mỹ thuật. Tuy nhiên, một cơ duyên bất ngờ đã bẻ ngoặt số phận  Trần Ngọc Thêm sang một con đường khác. Năm 1968, vì có thành tích tốt trong học tập, ông đã được nhà trường chọn cử đi học ở Liên Xô, thế nên ước mơ thi vào trường Mỹ thuật của ông đã dừng ở đó. Những năm tháng được học tập ở một phương trời xa xôi là đất nước Liên Xô xinh đẹp, cuộc đời đang dành cho ông một chuỗi bất ngờ mới.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm/Ảnh: Thành Long
 Sang Liên Xô, ông được Bộ Đại học Việt Nam phân công học ngành Kinh tế Công nghiệp Rừng. Ông có một năm học dự bị tiếng Nga và ôn lại chương trình lớp 10 bằng tiếng Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Minsk. Ban đầu, việc học tiếng Nga với ông thật vô vàn khó khăn. Nhưng bằng sự nỗ lực hết mình, chỉ sau học dự bị,  từ chỗ không biết một chữ tiếng Nga nào, ông đã trở thành một trong số những sinh viên đứng đầu khóa. Sau năm học dự bị với kết quả học tập đạt loại giỏi đều tất cả các môn khoa học xã hội và tự nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tai Liên Xô đã quyết định chuyển ông sang học ngành Ngôn ngữ Toán ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad. Đây là một ngành mới và rất khó. Ở thời điểm đó chưa có người Việt Nam nào học thành công ngành này nên ông không khỏi lo lắng, ông đã nhiều lần làm đơn xin đổi ngành học nhưng không được. Trước tình hình ấy, ông đã xác định: “Trên chưa đồng ý cho chuyển nghĩa là hãy còn tin tưởng ở mình, nếu bây giờ cứ khăng khăng đòi chuyển và lơ là học tập là có tội, phải lao vào học với tất cả quyết tâm và khả năng của mình.” Với quyết tâm đó, ông đã vươn lên trở thành người đứng đầu trong một lớp học mà phần lớn là sinh viên Nga. Suốt năm năm liền ông là sinh viên duy nhất trong lớp luôn đạt điểm tuyệt đối 5/5 và có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Ông đã hoàn thành 2 tiểu luận, 1 tiểu luận được báo cáo ở hội nghị khoa học sinh viên toàn khoa và 1 tiểu luận được nhà trường giới thiệu thi tuyển các công trình khoa học của trường.
Những thành tích ông đạt được khi ngồi trên ghế nhà trường thật đáng mơ ước đối với bất kỳ một người đi học nào. Từ một học sinh trung bình, ông đã trở thành một học sinh giỏi và được chọn cử đi du học. Từ một người hoàn toàn không biết ngoại ngữ, chỉ sau một năm ông đã vươn lên trở thành một trong những sinh viên đứng đầu khóa. Từ một ngành học vô cùng khó, chưa có một sinh viên Việt Nam nào thành công, ông đã quyết tâm theo đuổi nó và đã đạt được những kết quả tốt nhất mà ngay cả các bạn sinh viên Nga và các nước khác cũng ao ước.
Những lần luân chuyển công việc gắn liền với những dấu ấn khoa học
Thầy Trần Ngọc Thêm thời trẻ (ảnh tư liệu)
Không chỉ để lại những dấu ấn bất ngờ trên bước đường học tập, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm còn có nhiều lần luân chuyển trong công việc, và với mỗi lần thay đổi đó, ông đều để lại những đóng góp rất có giá trị.
Trở về nước cuối năm 1974, những tưởng với những thành tích xuất sắc đã đạt được ở ngành Ngôn ngữ Toán, ông sẽ tiếp tục phát huy và phục vụ tốt trong công việc, nhưng do vào thời điểm đó ở Việt Nam hệ thống máy tính còn hạn chế nên ngành ngôn ngữ toán không có đủ điều kiện phát huy, ông đã về làm việc tại Bộ môn Ngôn ngữ học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chuyển hẳn sang ngành Ngôn ngữ học - một lĩnh vực có phần khác so với Ngôn ngữ Toán mà ông đã được học trước đó.
Trong quá trình công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã kết hợp rất tốt giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học và tham gia công tác xã hội. Từ năm 1976, trong khi vừa giảng dạy và làm công tác Đoàn, ông đã bắt đầu có bài đăng trong tạp chí chuyên ngành Ngôn ngữ và từ đó đều đặn năm nào cũng có từ 1 đến 2 bài. Năm 1978, ông đã nghiên cứu đưa vào giảng dạy một chuyên ngành hoàn toàn mới mà trước đó ở Việt Nam chưa hề được biết tới là chuyên ngành Ngữ pháp văn bản. Đến năm 1980, ông đã có những kết quả công bố về chuyên ngành này khi ở tuổi 28. Thầy giáo trẻ Trần Ngọc Thêm đã được mời thỉnh giảng ở hàng loạt trường đại học từ Thái Nguyên, Hà Nội đến Quy Nhơn. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu này, ông đã hoàn thành chuyên khảo Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt dày 350 trang, được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in thành sách vào năm 1985, lúc ông chỉ mới 33 tuổi. Cuốn sách được khen ngợi cả về cả tính hệ thống chặt chẽ (là điều ông đạt được nhờ có tư duy toán học) lẫn văn phong sáng sủa hấp dẫn (là điều đạt được nhờ năng khiếu nghệ thuật). Những kết quả của ông trong chuyên khảo này sau đó đã được đưa vào giảng dạy trong hệ thống đại học và sau đại học, được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt cải cách ở các lớp 9-10, và vẫn được giới ngôn ngữ học Việt Nam sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Cũng xuất phát từ những kết quả này, ông đã mở rộng, viết thành luận án phó tiến sĩ (tương đương với tiến sĩ hiện nay) với nhan đề Tổ chức ngữ pháp - ngữ nghĩa của văn bản (trên tư liệu tiếng Việt bảo vệ tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad vào tháng 10 năm 1987. Khi đọc luận án này lần đầu tiên, giáo sư tiến sĩ V.V. Bogdanov, người hướng dẫn khoa học của ông, đã nhận xét: “Tôi chưa bao giờ được đọc một văn bản nào như thế này cả. Tuyệt lắm. Tôi đã đọc một mạch một cách rất cuốn hút và say mê.” Luận án đã được Hội đồng đánh giá là đặc biệt xuất sắc và nhất trí bỏ phiếu đề nghị Hội đồng Học vị tối cao toàn Liên bang (BAK CCCP) cho phép bảo vệ lại (không cần sửa chữa bổ sung) để lấy học vị tiến sĩ (tương đương với tiến sĩ khoa học hiện nay). Sau 6 tháng được BAK CCCP kiểm định và 6 tháng tiếp theo làm thủ tục, luận án Tổ chức ngữ pháp - ngữ nghĩa của văn bản (trên tư liệu tiếng Việt) đã được phép rút ra khỏi Thư viện Quốc gia để tiến hành bảo vệ lại tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad vào tháng 11 năm 1988 để nhận bằng tiến sĩ khoa học. Đây là một trường hợp rất ít gặp, không chỉ đối với người nước ngoài mà ngay cả với công dân Nga.
Ngoài tác phẩm tiêu biểu Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, ông còn viết cuốn Hỏi đáp về Ngữ pháp văn bản, là người tổ chức và viết chính (5 trong 7 chương) cuốn Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn; tham gia viết cuốn Sổ tay tiếng Việt cấp II; dịch cuốn Ngữ pháp văn bản của O.I. Moskalskaja, dịch và tổ chức dịch cuốn Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cươngcủa V.B. Kasevich. Đầu những năm 1990, ông tham gia nhóm những người sáng lập Hội Ngôn ngữ học Việt Nam do GS. Hoàng Phê đứng đầu và được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội.
Cái duyên đến với Văn hóa học và tham gia xây dựng ngành Đông phương học
Thầy Trần Ngọc Thêm có những đóng góp không nhỏ cho khoa học và đào tạo nước nhà, đặc biệt là trên hai lĩnh vực Ngôn ngữ học và Văn hóa học/Ảnh: Thành Long
Đang rất thành công với ngôn ngữ học, những tưởng ông sẽ tiếp tục gắn bó suốt đời với ngành này, nhưng sự tình cờ lại đưa ông đến với một lĩnh vực khác, đó là văn hóa học - một ngành mà trước ông, chưa được định hình một cách rõ ràng ở Việt Nam.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học ở Liên Xô, cuối năm 1988 ông trở về nước. Vào thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục ở bậc đại học. Nhóm ngành đầu tiên được chọn để tiến hành cải cách thí điểm là khối ngoại ngữ. Hội đồng Liên ngành Ngoại ngữ được thành lập với thành viên là các Hội đồng ngành tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung và Hội đồng ngữ học và Việt Nam học. Ông được giao phụ trách Hội đồng sau cùng. Dù học ngoại ngữ gì thì cũng phải có kiến thức chung về ngôn ngữ học và Việt Nam học mà quan trọng nhất là văn hóa Việt Nam làm nền tảng. Ý tưởng xây dựng môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam ra đời từ đó. Năm 1990 ông xây dựng đề cương. Sau khi được thông qua, ông bắt tay vào xây dựng nội dung. Bản giáo trình thử nghiệm đầu tiên của Cơ sở văn hóa Việt Nam do ông soạn gồm 2 tập (mỗi tập khoảng 80 trang) được Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội xuất bản lưu hành nội bộ năm 1991.
Tháng 4 năm 1992, trong một lần đi giảng ở Tp. HCM, ông được GS. Nguyễn Ngọc Giao, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Tp. HCM, mời vào xây dựng ngành đào tạo Đông Phương học. Vì đây là ngành mà ông đã rất quan tâm khi còn học ở Liên Xô cho nên ông vui vẻ nhận lời ngay và chuyển cả gia đình vào đó. Tại đây, ông đã thành lập và phụ trách bộ môn Châu Á học trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Tp. HCM năm 1992 – khởi đầu cho việc hình thành ngành Đông phương học ở Việt Nam; sau đó sáng lập và phụ trách khoa Đông phương học thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp. HCM từ năm 1995.
Tháng 5 năm 1995, đề cương môn Cơ sở văn hóa Việt Nam do ông xây dựng cho khối đại học ngoại ngữ từ năm 1990 đã được thông qua làm một môn học chung cho toàn khối kiến thức đại học đại cương; đồng thời, cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam dày 500 trang của ông cũng được Trường Đại học Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh xuất bản vào tháng 10 cùng năm. Sự ra đời của cuốn sách này đã trở thành một sự kiện quan trọng và đã đón nhận hàng chục bài giới thiệu, phê bình cả trong và ngoài nước; một Hội thảo riêng bàn về cuốn sách này đã được tổ chức tại Tp. HCM. Năm 1996, trên cơ sở cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam ban đầu, ông đã phát triển thành hai cuốn là giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam dành cho sinh viên (300 trang) và chuyên khảo Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (670 trang). Cả hai cuốn sách này đều đã được tái bản nhiều lần, trong đó “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính cho Nhà xuất bản Thế giới tổ chức dịch sang tiếng Pháp và đến nay cũng đã tái bản ba lần.
Không dừng lại ở việc dạy Cơ sở văn hóa Việt Nam như một môn học, năm 1999 ông tham gia xây dựng ngành đào tạo Cao học về Văn hóa học. Đúng lúc đề án được phê duyệt thì ông được mời đi giảng dạy tại trường Đại học Quốc tế học Hàn Quốc ở Seoul trong hai năm 2000-2001. Năm 2002, ông trở về nước và thành lập bộ môn Văn hóa học trực thuộc Trường, đồng thời được giao giữ chức Trưởng khoa Đông phương học. Sang năm 2003, ông quyết định đề nghị Trường chuyển giao chức Trưởng khoa Đông phương học cho người khác để tập trung cho việc xây dựng ngành Văn hóa học. Cùng với việc xây dựng đội ngũ, ông cũng đã chủ trì xây dựng chương trình để mở tiếp ngành đào tạo Văn hóa học ở hai cấp còn lại là cử nhân và tiến sĩ. Sau 5 năm nỗ lực, toàn bộ hệ thống đào tạo ngành văn hóa học ba cấp cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ lần đầu tiên đã được hoàn chỉnh tại ĐHQG-Hồ Chí Minh. Năm 2008, Bộ môn Văn hóa học trực thuộc Trường được chuyển thành Khoa Văn hóa học và ông trở thành trưởng khoa đầu tiên.
Năm 2011, ông nghỉ quản lý khoa và chuyển sang phụ trách Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Tp. HCM. Tháng 4/2013, ông công bố hai cuốn sách mới: Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (675 trang) Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (885 trang). Cuốn trước tập hợp những thành quả nghiên cứu chính của ông trong gần 20 năm về văn hóa học lý luận và ứng dụng. Cuốn sau do ông chủ biên, là sản phẩm một đề tài NCKH cấp Trọng điểm Đại học Quốc gia do ông làm chủ nhiệm với sự tham gia của các cán bộ trong khoa. Đó là những thành quả nghiên cứu của một nhà khoa học tài năng và tận hiến. Có thể nói, trong cuộc đời mình, Trần Ngọc Thêm không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để tận hiến cho khoa học. Cuộc đời ông giống như một cuốn phim, mà ở đó, ông đã tham gia đóng nhiều vai và ở vai nào thì ông cũng rất thành công, cũng thể hiện mình một cách xuất sắc nhất. Về điều này, ông từng chia sẻ: Cuộc đời tôi ít có sự lựa chọn và luôn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Chính vì không có lựa chọn nên muốn tồn tại, tôi buộc phải có nghị lực và quyết tâm cao mới có thể làm tốt được những việc mà lúc đầu mình không thích. Từ chỗ quyết tâm làm tốt dẫn đến hình thành lòng say mê, và sự say mê đã giúp mình càng làm tốt hơn. Có lẽ cuộc đời ít được lựa chọn đó của ông đã mang đến cho ông nhiều điều bất ngờ, và đến lượt mình, những điều bất ngờ đó đã dẫn ông đến những thành công rất đáng tự hào, để đến ngày hôm nay ông đã có những đóng góp không nhỏ cho khoa học và đào tạo nước nhà, đặc biệt là trên hai lĩnh vực Ngôn ngữ học và Văn hóa học.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC TRẦN NGỌC THÊM
  • Năm sinh: 1952.
  • Quê quán: Phú Thọ.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ toán, tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1974.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1987.
  • Nhận bằng Tiến sỹ khoa học chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1988.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002.
  • Quá trình công tác:
    • Giảng viên tổ Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1975-1992)
    • Trưởng Bộ môn Châu Á học, Trường Đại học Tổng hợp TP HCM (1992-1993)
    • Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông phương, Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (1995-1999)
    • Trưởng Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (2002-2003)
    • Trưởng Bộ môn Văn hoá học trực thuộc, sau là Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (2003-2011).
    • Giám đốc Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng, Trường ĐHKHXH&NV TP HCM (2011 đến nay)
    • Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam nhiệm kỳ I (1990-1995)
    • Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học quốc gia Tp. HCM nhiệm kỳ 2009-2013
    • Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2009-2014 và 2014-2019
    • Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015
    • Ủy viên Hội đồng ngành ngữ văn Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) nhiệm kỳ 2012-2015".
  • Các hướng nghiên cứu chính: Ngữ pháp văn bản, Văn hóa - ngôn ngữ học, Văn hóa học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:
  1. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1985; NXB Giáo dục in lần 2-8, 1999, 2000, 2004, 2008, 2009, 2011, 2013.
  2. Cơ sở văn hóa Việt NamĐHTH Tp.HCM in lần 1-3, 1995, 1996, 1997; NXB Giáo dục in lần 4-7, 1997, 1998, 1999.
  3. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp.HCM in lần 1-3, 1996, 1997, 2001, 2004. Bản dịch tiếng Pháp:Recherche sur l’identité de la culture vietnamienne, Edition The Gioi, 2001, 2006, 2008.
  4. Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, NXB Văn hóa - Văn nghệ, Tp HCM, 2013, 2014.
  5. Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2013, 2014.
  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:
+ Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công trình khoa học xuất sắc trong giai đoạn 1990-1995 cho công trình Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam.
+ Bằng khen của Giám đốc ĐHQG TP HCM về công bố khoa học 2013 cho công trình Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng.
+ Giải Đồng Sách hay năm 2014 của Hội Xuất bản Việt Nam cho cuốn Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng.

Không có nhận xét nào: