Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Họa sĩ Vũ Hà Nam: Giới thiệu hội họa tín hiệu

Triển lãm hội họa với chủ đề “năm tháng” diễn ra tại Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 17.5 đến 26.5.2008 của nhóm năm họa sĩ Lê Thế Danh, Nguyễn Thế Hùng, Vũ Hà Nam, Nguyễn Văn Hảo và Đặng Minh Thế. Trong triển lãm lần này, người xem chú ý đến một họa sĩ trẻ có phong cách vẽ tranh rất ấn tượng, thể hiện qua 9 bức tranh chân dung bằng chất liệu sơn dầu với màu sắc và hình ảnh khá độc đáo của anh. Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện ngắn với họa sĩ Vũ Hà Nam về cuộc triển lãm lần này. 




Phóng viên: Xin chào Họa sĩ Vũ Hà Nam, thông qua triển lãm này, anh và 4 họa sĩ khác muốn gửi gắm điều gì đến công chúng? 

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia triển lãm chung với nhóm họa sĩ gồm năm người. Ngoài mục đích chính là tạo cơ hội gặp gỡ cho anh chị em trong nghề, chúng tôi muốn gửi gắm đến người xem những thông điệp về ước mơ, khát vọng của con người trong cuộc sống, thể hiện qua những bức chân dung, những bức tranh về cảnh sinh hoạt, phong cảnh miền quê Việt Nam. Đặc biệt tôi muốn giới thiệu một hình thức vẽ tranh mới đó là Hội họa tín hiệu. 

Phóng viên: Anh có thể nói rõ hơn về hình thức còn mới lạ này? 

Trong quá trình vẽ tranh tôi chiêm nghiệm được nhiều điều, đôi khi chỉ cần với một nét vẽ đơn giản, một gam màu, người họa sĩ đã có thể chuyển tải được thông điệp của mình. Thường thì người Việt Nam thích những bức tranh có hình ảnh rõ ràng, chân thực như một bức ảnh hơn là một bức vẽ không đầy đủ, ví như một bức chân dung con người thiếu một số bộ phận như mắt, mũi… Hình thức Hội họa mà tôi muốn giới thiệu đến công chúng chính được vẽ bằng những suy nghĩ, những gì tôi đã từng trải qua trong cuộc sống. 

Phóng viên: Anh có sợ rằng với những bức tranh với hình ảnh và màu sắc lờ mờ như thế sẽ có người không hiểu hoặc hiểu sai về tranh của mình? 

Sẽ có những người tìm thấy trong tranh của tôi chính những ước mơ của chính họ hoặc những điều họ đã từng trải qua, cũng sẽ có người không thích bởi đơn giản họ không có những ước muốn giống tôi. Tôi vẽ tranh và quan niệm mình phải luôn sống chân thật với chính bản thân mình, người họa sĩ không thể cho ra một tác phẩm ý nghĩa nếu không sống thật với bản thân. Một bức tranh khi đưa ra công chúng tất nhiên sẽ có nhiều luồng ý kiến, nhiều cách cảm nhận khác nhau, nhưng chắc chắn họ sẽ tìm thấy điều gì đó tốt đẹp ở tranh của tôi. Hiện nay vẫn có những người không biết gì về mỹ thuật mà vẫn đi làm người quản lý mỹ thuật đó chứ. 

Phóng viên: Có nhiều họa sĩ có phong cách vẽ tranh thông qua tín hiệu giống anh hiện nay không? 

Tôi nghĩ là không, nếu có chỉ là một vài bức với kiểu cách hơi hơi giống nhưng đó không phải là tranh của tôi. 

Phóng viên: Ngoài tranh sơn dầu anh còn thể hiện mình ở những bức tranh với chất liệu nào khác? 

Hiện nay tôi có một xưởng vẽ riêng và có thể nói ở khu vực phía Nam, tôi là một trong những người ít ỏi còn biết vẽ tranh sơn khắc. Đó là một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên không hiểu sao lại có rất ít người muốn theo nó. Tranh sơn khắc đòi hỏi tính kiên nhẫn, thời gian và cả tiền bạc nữa. Một bức tranh sơn khắc lớn chiều dài có thể lên đến trên 15 m. 

Phóng viên: Dự tính của anh trong thời gian tới là gì? 

Tôi đang hoàn thiện những bức vẽ của mình để có thể sẽ tổ chức riêng một triển lãm tranh trong dịp hè này, hiện tại thì một bức tranh sơn khắc về cuộc sống của những chú voi sẽ sắp ra mắt. 

Phóng viên: Cảm ơn anh đã dành cho Thể thao và Văn hóa cuộc trò chuyện thật thú vị và cởi mở, chúc anh thành công với những dự định của mình. 

Cao Duy (thực hiện)

Không có nhận xét nào: