Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Nghiên cứu khoa học và thiết kế dự án nghiên cứu khoa học

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG THIẾT KẾ MỘT DỰ ÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


Ngô Quý Nhâm
Trong quá trình triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học, việc thiết kế một một kế hoạch tổng thể cho dự án nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình nghiên cứu sẽ tìm ra câu trả lời có giá trị cho câu hỏi nghiên cứu đặt ra. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày những vấn đề cơ bản nhất trong quá trình thiết kế một dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Bài viết bắt đầu bằng việc làm rõ các yếu tố chính của một dự án nghiên cứu khoa học. Trong các phần tiếp theo, bài viết sẽ lần lượt thảo luận các nội dung của một dự án nghiên cứu gồm mục đích và câu hỏi nghiên cứu, xác định phương pháp tiếp cận và chiến lược nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học và thiết kế dự án nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là quá trình lĩnh hội tri thức một cách có hệ thống bằng việc sử dụng hai công cụ vô cùng quan trọng: dữ liệu thực nghiệm và lý thuyết. Trong khoa học, sức mạnh của dữ liệu thực nghiệm được thừa nhận và các ý tưởng phải được kiểm nghiệm bằng dữ liệu. Để giải thích, diễn giải dữ liệu, người ta phải sử dụng đến lý thuyết. Mục đích của lý thuyết là để diễn giải dữ liệu chứ không chỉ thu thập dữ liệu và cũng không chỉ để sử dụng dữ liệu để mô tả sự vật hiện tượng. Do vậy, lý thuyết diễn giải đóng vai trò trung tâm trong khoa học. Nói một cách đơn giản, “nghiên cứu khoa học chính là việc thu thập dữ liệu về thế giới, xây dựng các lý thuyết để giải thích dữ liệu và sau đó kiểm nghiệm các lý thuyết này dựa trên các dữ liệu thu thập tiếp theo” (Punch, 2005, p.8).

Hình 1: Phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội
Nghiên cứu khoa học liên quan đến quá trình thiết lập các câu hỏi nghiên cứu, vấn đề hay giả thiết nghiên cứu, thu thập dữ liệu hoặc bằng chứng liên quan tới những câu hỏi nghiên cứu, vấn đề hay giả thiết đó và phân tích hoặc giải thích dữ liệu (Neuman, 1994). Khi bắt tay vào nghiên cứu, nghiên cứu viên sẽ phải lập một kế hoạch tổng thể cho dự án nghiên cứu đó.
Như vậy, bản thiết kế dự án nghiên cứu (research design) được hiểu là một kế hoạch tổng thể cho một dự án nghiên cứu trong đó đề cập đến các vấn đề trong lập kế hoạch và triển khai một dự án nghiên cứu.  Theo Robson (2002), bản thiết kế một dự án nghiên cứu gồm có năm nội dung chủ yếu:
·        Xác định mục đích nghiên cứu: Việc đầu tiên nghiên cứu viên phải xác định rõ là nghiên cứu này sẽ đạt được cái gì? Tại sao vấn đề phải được nghiên cứu? Người nghiên cứu muốn tìm cách mô tả cải gì, hoặc giải thích hoặc tìm hiểu điều gì? Nghiên cứu này được thực hiện để tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề gì?
·        Xác định lý thyết nghiên cứu: Lý thuyết nào sẽ được sử dụng làm định hướng cho quá trình nghiên cứu? Chúng ta sẽ hiểu hoặc diễn giải kết quả nghiên cứu như thế nào? Khung (lý thuyết) khái quát nào sẽ liên kết các hiện tượng mà ta nghiên cứu?
·        Xác định câu hỏi nghiên cứu: Nghiên cứu tìm kiếm lời giải cho câu hỏi nghiên cứu nào? Chúng ta cần biết gì để thực hiện các mục đích nghiên cứu? Mức độ khả thi của câu hỏi nghiên cứu với nguồn lực và thời gian đã xác định?
·        Xác định phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu: Kỹ thuật cụ thể nào (phỏng vấn? quan sát? Khảo sát?) sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu? Dữ liệu sẽ được phân tích như thế nào? Làm thế nào để chứng minh rằng dữ liệu thu được là đáng tin cậy?
·        Chiến lược lấy mẫu nghiên cứu: Nghiên cứu viên phải trả lời câu hỏi họ sẽ thu thập dữ liệu từ ai? ở đâu? Khi nào? Làm thể nào để có thể  cân bằng giữa việc chọn lọc dữ liệu và việc thu thập tất cả các dữ liệu yêu cầu?


 Hình 2: Khung thiết kế dự án nghiên cứu
Nguồn: Robson (2002, p82)
Tương tự, Punch (2005) chỉ ra rằng một bản thiết kế dự án nghiên cứu bao gồm bốn vấn đề: chiến lược nghiên cứukhung nghiên cứuđối tượng nghiên cứu (ai hoặc cái gì) và công cụ được sử dụng để thu thập và phân tích các dữ liệu thực nghiệm
Cho dù cách hiểu về bản thiết kế một dự án nghiên cứu như thế nào thì nguyên tắc chung là mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp thu thập xử lý dữ liệu phải nhất quán với nhau. Nếu như câu hỏi nghiên cứu không gắn với mục đích nghiên cứu thì nghiên cứu viên phải thay đổi một trong hai – thông thường là câu hỏi nghiên cứu sẽ phải thay đổi. Nếu câu hỏi nghiên cứu không gắn với lý thuyết, có khả năng nghiên cứu viên sẽ không tìm ra được câu trả lời có giá trị. Khi đó, lý thuyết cần phải được xây dựng hoặc câu hỏi nghiên cứu cần phải thay đổi. Nếu phương pháp thu thập xử lý dữ liệu và/hoặc chiến lược không đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu thì cần phải có sự thay đổi. Nghiên cứu viên phải thu thập them dữ liệu, mở rộng mẫu điều tra hoặc cắt giảm hoặc thay đổi câu hỏi nghiên cứu (Robson, 2002).
Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ tập trung vào làm rõ việc lựa câu hỏi nghiên cứu, phương pháp tiếp cận nghiên cứu và chiến lược nghiên cứu, phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu nghiên cứu.
Xác định mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và giả thiết nghiên cứu
Tất cả các nghiên nghiên cứu đều được định hướng bởi các câu hỏi nghiên cứu, đến lượt mình các câu hỏi nghiên cứu được xác định từ mục đích nghiên cứu của đề tài. Mục đích nghiên cứu chính là câu hỏi khái quát, còn câu hỏi nghiên cứu(research question)  là các câu hỏi cụ thể trong nghiên cứu. Như đã đề cập ở trên, mục đích nghiên cứu của một dự án nghiên cứu trả lời câu hỏi công trình nghiên cứu được triển khai sẽ đạt được cái gì? Tại sao vấn đề phải được nghiên cứu?  Mục đích nghiên cứu đưa ra một định hướng chung cho dự án nghiên cứu, đặc biệt là việc xác định câu hỏi nghiên cứu một cách rõ ràng hơn.
Câu hỏi nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức dự án nghiên cứu, đưa ra định hướng nghiên cứu và sự gắn kết của toàn bộ nghiên cứu, xác lập giới hạn/phạm vi của dự án nghiên cứu. Đồng thời, câu hỏi nghiên cứu sẽ giúp giữ sự tập trung của nghiên cứu viên vào dự án nghiên cứu. Đặc biệt, câu hỏi nghiên cứu xác định khuôn khổ để viết và hoàn tất dự án nghiên cứu cũng như chỉ ra các dữ liệu cần phải thu thập. Một cách để xác định câu hỏi nghiên cứu là xác định các lĩnh vực và chủ đề nghiên cứu (mục đích nghiên cứu), sau đó phát triển các câu hỏi trong phạm vi và chủ đề đó. Cách ngược lại là bắt đầu bằng một số câu hỏi cụ thể, sau đó quay lại phát triển mục đích nghiên cứu.
Một cách thể hiện vấn đề nghiên cứu là sử dụng các giả thiết nghiên cứu. Giả thiết nghiên cứu được định nghĩa một cách đơn giản là câu trả lời trước cho câu hỏi nghiên cứu. Việc nói rằng chúng ta có một giả thiết nghiên cứu có nghĩa là chúng ta có thể dự báo được những gì chúng ta có thể tìm khi trả lời một câu hỏi. Như vậy một câu hỏi nghiên cứu cho biết chúng ta phải tìm ra vấn đề gì, còn một giả thiết nghiên cứu dự đoán lời giải cho câu hỏi đó. Quá trình triển khai nghiên cứu gắn với các giả thiết chính là việc thu thập và xử lý dữ liệu để chứng minh chấp nhận hay bác bỏ giả thiết.
Xác định phương pháp tiếp cận: nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính
Trong nghiên cứu khoa học xã hội, phương pháp tiếp cận có thể chia thành hai hướng tiếp cận tổng quát: nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính (Saunders, 2003). Tùy thuộc vào mục đích và câu hỏi nghiên cứu, nghiên cứu viên phải xác định phương pháp tiếp cận và chiến lược nghiên cứu phù hợp.
Phương pháp tiếp cận định lượng (Quantitative Approach hay Fixed Design) là cách tiếp cận liên quan đến việc nghiên cứu thực nghiệm mang tính hệ thống các thuộc tính định lượng, hiện tượng và quan hệ giữa chúng. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến phương pháp nghiên cứu có cấu trúc chặt chẽnhằm thúc đẩy quá trình lặp lại nghiên cứu (trong các tình huống, bối cảnh khác nhau) (Gill và Johnson, 1997) và những quan sát có thể định lượng được sử dụng cho phân tích thống kê. Kết quả nghiên cứu có thể được khái quát hóa thành dạng quy luật, tương tự như kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học vật lý và tự nhiên.
Bản chất của phương pháp nghiên cứu định lượng gợi mở rằng việc thu thập dữ liệu sẽ cho các dữ liệu dạng số và được tiêu chuẩn hóa và việc nghiên cứu được thực hiện thông qua các biểu đồ và toán thống kê (Saunder, 2003). Vì vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu kinh doanh và quản trị nghiên cứu định lượng thường không cho người nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về các vấn đề phức tạp (Remenyi, 2005).
 

Hình 3: Lựa chọn chiến lược nghiên cứu và phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu trong Phương pháp tiệp cận định lượng và định tính

Phương pháp tiếp cận định tính (Qualitative Approach/Flexible) là cách tiếp cận trong đó nghiên cứu viên tìm hiểu hành vi, động cơ và ý đồ đối tượng nghiên cứu (con người) và những lý do điều khiển những hành vi đó (Sounder et al., 2003). Sự khác biệt cơ bản giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng là phương pháp nghiên cứu định tính tập trung vào quá trình thay vì kết quả, cái tổng thể thay vì các biến độc lập và tập trung vào ý nghĩa hơn là thống kê hành vi (Burns, 2000).
Nghiên cứu định tính gắn với việc thu thập dữ liệu định tính nhưng cũng có thể liên quan đến việc thu thập dữ liệu định lượng. Dữ liệu định tính  dựa trên các ý nghĩa và được diễn đạt bằng lời hay văn bản. Chính vì vậy, dữ liệu thu thập đường thường là phi tiêu chuẩn và phải được phân nhóm và chủ yếu được phân tích theo phương pháp khái quát hóa (Saunders, 2003). Bản chất của nghiên cứu định tính cho thấy nó có thể sử dụng để nghiên cứu, giải thích các vấn đề phức tạp của hoạt động quản lý và kinh doanh. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của phương pháp này là kết quả nghiên cứu chưa sẵn sàng để suy rộng được (khái quát hóa). Hơn nữa, giới hạn thời gian để nghiên cứu thường là một vấn đề. Tuy nhiên, sự giới hạn này lại cần thiết để xác định giới hạn cho việc thu thập và phân tích dữ liệu (Remenyi et al, 2005).
Sử dụng nghiên cứu đinh tính trong trường hợp
Sử dụng nghiên cứu định lượng trong trường hợp
Chủ đề nghiên cứu mới và chưa được xác định rõ
Chủ đề nghiên cứu đã được xác định rõ và đã quen thuộc
Nghiên cứu thăm dò, khi chưa nắm được những khái niệm và các biến số
Khi những vấn đề cần đo lường khá nhỏ hay đã từng được giải quyết
Khi cần thăm dò sâu, khi muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa những khía cạnh đặc biệt của hành vi với ngữ cảnh rộng hơn
Khi không cần thiết phải liên hệ những phát hiện với các bối cảnh xã hội hay văn hóa rộng hơn hay bối cảnh này đã được hiểu biết đầy đủ
Khi cần tìm hiểu về ý nghĩa, nguyên nhân hơn là tần số
Khi cần sự mô tả chi tiết bằng các con số cho một mẫu đại diện
Khi cần có sự linh hoạt trong hướng nghiên cứu để phát hiện những vấn đề mới và khám phá sâu một chủ đề nào đó
Khi khả năng tiến hành lại sự đo lường là quan trọng

Nghiên cứu sâu và chi tiết những vấn đề được chọn lựa kỹ càng, những trường hợp hoặc các sự kiện
Khi cần khái quát hóa và so sánh kết quả trong quần thể nghiên cứu

Xác định chiến lược nghiên cứu  
Với mỗi phương pháp tiếp cận, nghiên cứu viên phải xác định một chiến lược nghiên cứu phù hợp. Theo Sounders (2003) chiến lược nghiên cứu là một kế hoạch tổng thể mà nghiên cứu viên sẽ bám sát trong quá trình nghiên cứu để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Sounders (2003) đã thống kê sáu chiến lược nghiên cứu có thể áp dụng trong lĩnh vực nghiên cứu quản lý và kinh doanh: nghiên cứu tình huống (case study), nghiên cứu lý thuyết (grounded theory), nghiên cứu nhân học (ethnography), và nghiên cứu hành động (action research) nghiên cứu thực nghiệm (experiment) và nghiên cứu mô tả (survey). Trong số đó, nghiên cứu thực nghiệm và mô tả (survey) là các chiến lược dùng tromgphương pháp tiếp cận định lượng và bốn phương pháp còn lại gồm nghiên cứu tình huống, nghiên cứu lý thuyết,  nghiên cứu nhân học và nghiên cứu hành động thường được sử dụng trong phương pháp tiếp cận định tính (Sounders, 2003).
Chiến lược nghiên cứu thực nghiệm là một trong hai chiến lược sử dụng trong phương pháp tiến cận định lượng. Đặc điểm trung tâm của chiến lược này là nghiên cứu viên chủ động đưa ra một vài dạng thay đổi trong tình huống, bối cảnh hoặc kinh nghiệm của những người tham gia nhằm tạo ra những thay đổi mang tính hậu quả trong hành vi của họ (Robson, 2002). Trong nghiên cứu thực nghiệm, người ta tập trung vào đo lường ảnh hưởng của của một biến (biến độc lập) đối với một biến khác (biến phụ thuộc). Các chi tiết của dự án nghiên cứu được cụ thể hóa trước khi việc thu thập dữ liệu chính thức bắt đầu (thông thường có một giai đoạn “thử nghiệm” khi kiểm tra tính khả thi của dự án nghiên cứu và đư ra những thay đổi nếu có). Các đặt điểm của chiến lược nghiên cứu thực nghiệm này gồm: việc nghiên cứu bắt đầu bằng việc lựa chọn mẫu từ tổng thể đã biết và phân bổ mẫu theo các điều kiện thực nghiệm khac nhau; sau đó, chủ động thay đổi một hoặc một số biến và đo lường sự thay đổi của một lượng nhỏ các biến trong khi kiểm soát các biến khác; thông thường nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến việc kiểm định các giả thiết.
Chiến lược nghiên cứu phi thực nghiệm ( còn gọi là nghiên cứu mô tả -survey strategy) về cơ bản cũng giống như chiến lược nghiên cứu thực nghiệm nhưng người nghiên cứu không thay đổi hay can thiệp vào tình huống, bối cảnh hoặc trải nghiệm của người tham gia. Nói cách khác, hiện tượng được nghiên cứu không thể bị kiểm soát hoặc thay đổi một cách chủ ý bởi người nghiên cứu do bản thân nó không thể thay đổi được (như các đặc điểm cá nhân gồm giới tính, tuổi) hoặc không nên thay đổi vì lý dó đạo đức (như hút thuốc lá, uống rượu) hoặc không khả thi trong điều chỉnh. Nghiên cứu thực nghiệm thường được sử dụng cho mục đích mô tả và vì bản chất cố định và được cụ thể hóa từ trước nên nó không được sử dụng tốt cho nghiên cứu khám phá. Phương pháp này có thể được sử dụng  khi nghiên cứu viên muốn tìm cách giải thích hoặc hiểu biết hiện tượng.
Chiến lược nghiên cứu được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu quản trị là nghiên cứu tình huống. Nghiên cứu tình huống được định nghĩa là một chiến lược nghiên cứu mà nghiên cứu viên sử dụng để điều tra  thực nghiệm một hiện tượng cụ thể trong bối cảnh thực tế với nhiều nguồn dữ liệu (Robson, 2002). Một tình huống trong nghiên cứu có thể là một người, một nhóm, một tổ chức hoặc một trường học.
Chiến lược nghiên cứu có ba đặc điểm rõ rệt. Thứ nhất, chiến lược này liên quan đến việc lựa chọn một tình huống/hiện tượng duy nhất (ví dụ một doanh nghiệp) hoặc một lượng nhỏ các hiện tượng nghiên cứu liên quan (nhóm doanh nghiệp) để nghiên cứu. Thứ hai, chiến lược này tập trung vào sự vật hiện tượng trong một bối cảnh cụ thể. Cuối cùng, chiến lược nghiên cứu này thường gắn với việc sử dụng nhiều phương pháp thu thập dữ liệu và thường mang tính tự nhiên như quan sát, phòng vấn, phân tích tài liệu (Robson, 2002; Saunders et al, 2003). Mặc dù chiến lược nghiên cứu này có thể sử dụng phương pháp tiếp cận định  tính hay định lượng  hoặc cả hai, hầu hết các tình huống nghiên cứu đều sử dụng trong phương pháp tiếp cận định tính.
Vấn đề tranh cãi nhất liên quan đến phương pháp nghiên cứu tình huống là khả năng khái quát hóa – tức là khả năng suy rộng. “Nghiên cứu này chỉ dựa trên một tình huống, vậy làm thế nào có thể suy rộng ra các trường hợp khác?”. Thực tế có hai loại tình huống mà việc suy rộng rẽ không phải là mục tiêu hướng tới. Thứ nhất, tình huống nghiên cứu có thể rất quan trọng, hấp dẫn hoặc bị hiểu sai và vì vậy cần được nghiên cứu một cách đúng nhất. Hoặc cũng có thể tình huống nghiên cứu rất độc đáo ở một phương diện quan trọng nào đó và vì vậy rất đáng đề nghiên cứu. Loại tình huống thứ hai là việc nghiên cứu “tình huống phủ định”. Đây là loại tình huống mà thông thường có khác biệt đáng kể, thậm chí là trái ngược hẳn, với các dạng tình huống phổ biến khác, trên cơ sở đó giải tìm hiểu tại sao có sự khác biệt đó. Ngoài hai tình huống trên, có nhiều nghiên cứu tình huống trong đó nghiên cứu viên có thể muốn tìm điều gì đó có thể ứng dụng rộng hơn. Có hai cách trong đó nghiên cứu tình huống có thể đưa ra các kết quả mà có thể suy rộng. Cả hai cách phụ thuộc vào mục đích của nghiên cứu tình huống và đặc biệt là cách thức dữ liệu được xử lý và phân tích. Cách thứ nhất là bằng khái quát hóa và cách thứ hai là bằng phát triển các mệnh đề (giả thuyết). Trong phương pháp khái quát hóa, dựa vào nghiên cứu một cách chặt chẽ tình huống và sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu trong đó tập trung vào việc khái quán hóa thay vì mô tả hiện tượng, nghiên cứu viên sẽ phát triển một hoặc một vài khái niệm để giải thích các khía cạnh của tình huống nghiên cứu. Để phát triển các mệnh đề, dựa trên các tình huống nghiên cứu, nghiên cứu viên sẽ đưa ra một hoặc một vài mệnh đề - hay còn gọi là giải thuyết – có tác dụng liên kết các khái niệm hoặc nhân tố trong tình huống lại với nhau. Trong cả hai trường hợp, không có một tình huống nào có thể chứng minh khả năng suy rộng các kết quả nghiên cứu. Nhưng chắc chắn nó có thể mở ra khả năng suy rộng, đưa ra những khái niệm hoặc giả thuyết để kiểm nghiệm trong các nghiên cứu tiếp theo (Punch, 2005).
Nghiên cứu nhân học (Ethnography) cũng là một trong những chiến lược nghiên cứu phổ biến nhất trong khoa học xã hội. Khái niệm “nhân học” (enthography) có nguồn gốc từ lĩnh vực nhân chủng học/văn hóa. Robson (2002) định nghĩa “nghiên cứu nhân học” là chiến lược nghiên cứu được sử dụng để thu thập, diễn dịch và giải thích cách thức một nhóm, một tổ chức hoặc một cộng đồng sống hoặc làm việc, trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống và thế giới của họ. Còn Hammersly và Atkinson (1995) nhìn nhận nghiên cứu nhân học là một chiến lược nghiên cứu trong đó người nghiên cứu phải tham gia công khai hoặc ngấm ngầm vào cuộc sống hàng ngày trong một thời gian dài để theo dõi những gì đang xảy ra, nghe những gì được nói, hỏi và thu thập các dữ liệu khác liên quan. Trong nghiên cứu quản lý và kinh doanh, chiến lược này thường được sử dụng để nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp, quá trình hình thành và phát triển nhóm… Để khám phá những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc như vậy, nghiên cứu viên phải có được cách nhìn của người trong cuộc và vì vậy họ phải quan sát và nghiên cứu nhóm này trong bối cảnh tự nhiên và nhập cuộc vào những gì đang diễn ra.  Không giống như những phương pháp khác, nghiên cứu nhân học thường được nghiên cứu trong tình trạng tự nhiên nhất có thể, không bị cạn thiệp bởi người nghiên cứu. Thông thường, quá trình thu thập dữ liệu thường phải kéo dài vài năm và sẽ phải trải qua một số giai đoạn (Robson, 2002).
Chiến lược nghiên cứu thứ ba là nghiên cứu lý thuyết (Grounded Theory Study). Mặc dù có tên gọi là nghiên cứu lý thuyết nhưng lại không phải là một lý thuyết. Nghiên cứu lý thuyết là một cách tiếp cận, một chiến lược nghiên cứu với mục đích là để phát triển một lý thuyết mới   bằng phương pháp quy nạp trên cơ sở các dữ liệu được thu thập bằng việc quan sát hoặc phỏng vấn (Punch, 2005; Saunders et al., 2003). Theo Robson (2002), chiến lược nghiên cứu lý thuyết có thể cung cấp một quy trình rõ ràng để xây dựng một lý thuyết trong dự án nghiên cứu và để phân tích dữ liệu định lượng. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong đó việc tiếp cận lý thuyết được lựa chọn không rõ ràng hoặc không có.
Một chiến lược nghiên cứu cuối cùng là nghiên cứu hành động (action research). Chiến lược nghiên cứu này thường gắn với việc quản lý một quá trình thay đổi và đòi hỏi sự hợp tác giữa nghiên cứu viên và những người thực hành. Mục đích của nghiên cứu hành động không chỉ là mô tả, hiểu và giải thích hiện tượng/đối tượng nghiên cứu mà còn thay đổi hiện tượng/đối tượng. Nghiên cứu viên phải trực tiếp tham gia vào quá trình thay đổi và cuối cùng ứng dụng tri thức. Do đó, nghiên cứu viên phải dành nhiều thời gian cho việc quan sát, kiểm soát và đánh giá còn người thực hành phải thực hiện toàn bộ quá trình (Saunders et al, 2003). Nghiên cứu hành động có thể được sử dụng trong phương pháp tiếp cận định lượng, tiếp cận định tính hoặc hỗn hợp. Mặc thường gắn với phương pháp tiếp cận và dữ liệu định tính, nghiên cứu hành động không chỉ dựa trên dữ liệu định tính. Ngược lại, dữ liệu định lượng sẽ được sử dụng bất kỳ lúc nào nếu thấy phù hợp và sẵn có (Punch, 2005).
Xác định phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu
Việc lựa chọn phương pháp thu thập dữ liệu phải phù hợp với câu hỏi nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và chiến lược nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng thường thu thập dữ liệu bằng bảng hỏi khảo sát (survey/Questionnaire) và phương pháp quan sát, còn nghiên cứu định tính thường sử dụng phương pháp quan sát, phương pháp  phỏng vấn và phương pháp thu thập  dữ liệu thứ cấp.
Phương pháp khảo sát (survey) là phương pháp thu thập dữ liệu nghiên cứu phổ biến nhất dựa trên các bảng hỏi (questionnaire). Việc khảo sát có thể thực hiện bằng cách phỏng vấn (phỏng vấn khảo sát) hoặc gửi thư (bưu điện, email, internet). Đặc điểm chính của phương pháp khảo sát là được sử dụng trong phương pháp tiếp cận định lượng, thu thập một lượng nhỏ dữ liệu dưới định dạng được tiêu chuẩn hóa từ một mẫu tương đối lớn và quá trình chọn mẫu mang tính đại diện từ một tổng thể đã biết. Vì vậy, dữ liệu thu thập được từ khảo sát là dữ liệu dạng số và  quá trình khảo sát (đo lường) là một quá trình các dữ liệu nghiên cứu được chuyển sang dạng số. Với những đặc điểm như vậy, phương pháp khảo sát có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong mắt các nhà nghiên cứu. Một số nhà nghiên cứu còn coi phương pháp này là chiến lược trung tâm. Trong các tình huống phi thực nghiệm mà việc thực nghiệm không khả thi hoặc không đảm bảo về mặt đạo đức, việc khảo sát lại đảm bảo một vùng tin cậy  (Robson, 2002, p230).  Gắn với phương pháp khảo sát là một hệ phức hợp các quan tân về mặt kỹ thuật về xác định mẫu, thiết kế câu hỏi, mã hóa câu trả lời. Ưu điểm nổi bật của phương pháp khảo sát là nó cho cách tiếp cập tương đổi đơn giản trong nghiên cứu hành vi, thái độ, giá trị, niềm tin và động cơ của đối tượng nghiên cứu. Các cuộc khảo sát thường có thể điều chỉnh được để có thể thu thập các thông tin có thể khái quát hóa được từ hầu hết các tổng thể nghiên cứu. Một ưu điểm nữa của phương pháp khảo sát là có thể cho phép thu thập được một lượng lớn các dữ liệu được nghiên cứu.  Tuy nhiên, thu thập dữ liệu bằng khảo sát không phải ít những hạn chế. Dữ liệu thu thập được từ phương pháp khảo sát lại dễ bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của người trả lời (như trí nhớ, kiến thức, kinh nghiệm, động cơ và tính cách. Bên cạnh đó, người trả lời cũng không nhất thiết phải báo cáo niềm tin thái độ của họ một cách chính xác. Nếu khảo sát qua bưu điện hoặc email, tỷ lệ trả lời câu hỏi tương đối thấp. Khi không biết rõ đặc điểm của người trả lời, nghiên cứu viên không thể kết luận được là mẫu có mang tính đại diện không. Cuối cùng, có thể có sự không rõ ràng hoặc hiểu nhầm câu hỏi khảo sát, dữ liệu thu thập được có thể không còn đúng nữa (Robson, 2002).
 Phương pháp quan sát. Quan sát  là phương pháp thu thập dữ liệu truyền thống bằng việc quan sát, ghi chép, mô tả,  phân tích và diễn giải một cách hệ thống các hiện tượng xã hội được nghiên cứu (Saunders et al, 2003). Có hai phương pháp quan sát khác nhau: quan sát theo phương pháp định lượng và quan sát  định tính. Quan sát theo phương pháp định lượng hay quan sát theo cấu trúc chú trọng đến tần suất của hành động đó (Robson, 2002, Saunders et al, 2003) và việc quan sát được thực hiện theo một cấu trúc chặt chẽ, lịch trình quan sát thường được định trước và thường rất chi tiết. Vì vậy, phương pháp này được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu định lượng. Ngược lại, quan sát theo phương pháp tiếp cận định tính thường không theo cấu trúc định trước và chủ yếu sử dụng trọng nghiên cứu định tính. Nghiên cứu viên không sử dụng các cách phân nhóm thông tin trước mà thường thực hiện quan sát theo cách tự nhiên và mở. Cho dù kỹ thuật ghi lại kết quả quan sát là gì thì hành vi được quan sát dưới dạng chuỗi hành động và sự kiện khi chúng xảy ra (Puch, 2005).
Với phương pháp quan sát theo phương pháp định tính, kỹ thuật Quan sát trong vai trò người tham gia thường được sử dụng. Trong kỹ thuật này, vai trò của nghiên cứu viên thay đổi từ việc quan sát tình huống từ bên cạnh sang vừa là người tham gia  và vừa là người quan sát tình huống. Đây là một phong cách nghiên cứu định tính và chú trọng đến việc khám phá những ý nghĩa mà con người thể hiện qua hành động của họ trong quá trình quan sát (Puch, 2005).  Do nghiên cứu viên tham gia trực tiếp vào hoạt động của đối tượng nghiên cứu, “sống” trong bối cảnh nghiên cứu nên các dữ liệu nghiên cứu thu thập được tin cậy hơn bất cứ phương pháp thu thập dữ liệu nào khác. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của phương pháp này là nghiên cứu viên phải trở thành thành viên của nhóm hoặc tổ chức quan sát, cố gắng tìm hiểu văn hóa, tập quán của tổ chức.  Nó không chỉ liên quan đến sự hiện diện và chia sẻ kinh nghiệm sống mà còn can dự trực tiếp vào thế giới xã hội của họ (Robson, 2002). Vì vậy, kỹ thuật này thường đòi hỏi một thời gian nghiên cứu dài và nghiên cứu viên phải tiếp cận được với nhóm hoặc tổ chức sẵn sàng cho họ tham gia.
Phỏng vấn. Phỏng vấn là một trong những phương pháp thu thập dữ liệu chủ yếu trong nghiên cứu định tính. Phỏng vấn là một phương pháp rất hiệu quả trong đánh giá nhận thức, các ý nghĩa, xác định các tình huống, cấu trúc của hiện tượng nghiên cứu của một người hoặc nhóm người. Đây cũng là một trong những phương pháp mạnh nhất nhất để có được sự thấu hiểu người khác (Punch, 2005).

Nguồn: Minichiell(1990) trong Punch (2005)
Phương pháp thu thập dữ liệu bằng phỏng vấn có nhiều  hình thức và mục đích sử dụng cũng khác nhau. Hình thức phổ biến nhất là đối thoại trực tiếp (mặt đối mặt), cá nhân những cũng có thể là phỏng vấn trực tiếp theo nhóm, qua thư từ hoặc bảng hỏi tự điền thông tin và khảo sát qua điện thoại (Fotana và Frey, 1994).
Phỏng vấn có thể là theo cấu trúc, phỏng vấn nhóm, hoặc phỏng vấn phi cấu trúc. Trong phỏng vấn theo cấu trúc, người được phỏng vấn sẽ được hỏi một chuỗi các câu hỏi được lập sẵn với các nhóm thông tin phản hồi được định trước. Trong quá trình thực hiện phỏng vấn, thường có rất ít cơ hội điều chỉnh mặc dù có sử dụng câu hỏi mở. Tất cả những người tham gia trả lời câu hỏi phỏng vấn được hỏi các câu hỏi tương tự nhau, theo cùng một trình tự và được hỏi một cách chuẩn mực. Trong phương pháp phỏng vấn này, sự linh hoạt được giảm thiểu và thông tin tiêu chuẩn được tối đa hóa. Ngược lại,phương pháp phỏng vấn phi cấu trúc phổ biến là phỏng vấn sâu, sử dụng câu hỏi mở và không được tiêu chuẩn hóa. Phương pháp này thường được sử dụng để nghiên cứu các hành vi phức tạp của con người mà không áp đặt một biện pháp phân nhóm nào trước nếu sự phân loại này làm giới hạn lĩnh vực cần hỏi. Phỏng vấn nhóm thường đề cập đến việc nghiên cứu viên phỏng vấn đồng thời một vài người thay vì một người. Phương pháp phỏng vấn nhóm ban đầu được sử dụng trong nghiên cứu marketing và nghiên cứu chính trị nhưng nay đã trở thành phương pháp phổ biến trong nghiên cứu quản trị và khoa học xã hội. Trong phương pháp phỏng vấn này, nghiên cứu viên có sự thay đổi từ vai trò là người phỏng vấn sang vai trò là người thúc đẩy, cố vấn nhóm. Nghiên cứu viên thực hiện việc khuyến khích, điều tiết, kiểm soát và ghi lại quá trình tương tác, trao đổi của nhóm. Hoạt động tương tác, trao đổi của nhóm sẽ được định hướng bởi các câu hỏi và chủ đề mà nghiên cứu viên đưa ra. Phỏng vấn nhóm nếu được điều phối tốt sẽ thúc đẩy những người tham gia phỏng ván thể hiện quan điểm, nhận thức, động cơ và các lý do – những dữ liệu quan trọng cần thu thập. Phương pháp này không mất nhiều chi phí, giàu dữ liệu, linh hoạt, lý thú và tỉ mỉ. Tuy nhiên, vấn đề có thể nảy sinh do văn hóa và sự năng động của nhóm và trong việc cân bằng quá trình tương tác giữa các thành viên trong nhóm (Fontana và Frey, 1994).
Dữ liệu thứ cấpDữ liệu thứ cấp bao gồm các văn bản viết như thông báo, biên bản cuộc họp, thư từ, nhật ký, tiểu sử, thông báo của chính phủ, các bản ghi hành chính và báo cáo gửi các cổ đông hoặc đối tượng hữu quan cũng như các tài liệu không phải văn bản như băng ghi âm, phim ảnh, phim và các chương trình truyền hình (Jupp, 1996, Robson, 2002). Đây là nguồn dữ liệu rất phong phú cho nghiên cứu. Một đặc điểm phổ biến hiện nay trong xã hội là có quá nhiều “bằng chứng văn bản”, thường được biên soạn và lưu trữ thường xuyên, tuy nhiên những tài liệu này này thường bị bỏ qua có lẽ vì sử phổ biến của nhiều phương pháp khác (thực nghiệm, khảo sát, phỏng vấn, quan sát). Các nguồn dữ liệu thứ cấp có thể được sử dụng theo các cách khác nhau trong nghiên cứu khoa học xã hội. Một số nghiên cứu có thể dựa hoàn toàn vào các dữ liệu thứ cấp trong khi một số nghiên cứu khác như nghiên cứu tình huống, nghiên cứu lý thuyết có thể sử dụng kết hợp với phương pháp phỏng vấn và quan sát. Khi sử dụng kết hợp với các dữ liệu khác, tài liệu thu thập được có thể rất quan trọng trong phép kiểm tra chéo (triangulation), trong đó một sự kết hợp chéo các phương pháp khác nhau và các loại dữ liệu khác nhau được sử dụng trong một dự án duy nhất. Cuối cùng, các sản phẩm dữ liệu trở nên đặc biệt quan trọng đối với nhà nghiên cứu nhân học vì nó cung cấp một nguồn dữ liệu phong phú cho việc phân tích.
 Tóm lại, việc thiết kế một dự án nghiên cứu phải lấy mục đích và mục tiêu nghiên cứu làm xuất phát điểm và trên cơ sở đó nghiên cứu viên phải lựa chọn phương pháp tiếp cận (định lượng hay định tính) và lựa chọn chiến lược nghiên cứu cho phù hợp với vấn đề nghiên cứu. Tùy theo mục đích nghiên cứu là phát triển lý thuyết hay kiểm định một lý thuyết/giả thiết, nghiên cứu viên phải lựa chọn kỹ thuật thu thập dữ liệu phù hợp. Sự  nhất quán giữa mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp thu thập xử lý dữ liệu là nguyên tắc vàng đảm bảo cho sự thành công của dự án.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Fontana, A và Frey, J.H (1994) “Interview: the art of science”, trong N.K Denzin và Y.S Hammersly, M và Atkinson, P (1995) Ethnography: Principles in Practice. 2nd Edn. London: Routledge.
2.      Lincoln (eds), Handbook of Qualitative Research. Thousand Oaks, CA: Sage, tr 361-76.
3.      Neuman, W.L. (1994) Social Research Methods: Qualitative and Quantitative Approaches (2rd edn), London, Allyn and Bacon.
4.      Punch, Keith (2005) Introduction to Social Research: Quantitative and Qualitative Approaches (2nd Ed) London: Sage Publications
5.      Robson, C. (2002) Real World Research. 2nd ed. Oxford: Blackwell
6.      Saunder, M., Lewis, P. Thornhill, A. (2003) Research Methods for Business Students. (3rd ed) London: FT Prentice Hall.
7.      Yin, R. K (1994), Case Study Research – Design and Methods. Sage Publications, Newbury Park, CA.

Không có nhận xét nào: