Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Đại học Văn hóa TPHCM: Kí túc xá “đắp chiếu”, lãng phí hàng trăm tỷ đồng

Dân trí Trường ĐH Văn hóa TPHCM có hơn 3.500 sinh viên, nhưng kí túc xá (KTX) hiện tại đáp ứng chưa được 10% nhu cầu chỗ ở. Trong khi đó, khu KTX tại cơ sở 2 đáp ứng 2.000 chỗ ở sinh viên, đã hoàn thành 85% khối lượng công việc, lại trong cảnh “đắp chiếu” 2 năm nay vì thiếu vốn.

Chỗ ở đã ít, lại xuống cấp trầm trọng

Trường ĐH Văn hóa TPHCM (phường Thảo Điền, quận 2, TPCHM) có hơn 3.500 sinh viên (SV) theo học mỗi năm. Trong số đó, 90% là SV từ các tỉnh về đây, trong đó có cả các SV đến từ vùng Trung du miền núi phía Bắc. Theo Ban giám hiệu nhà trường, khoảng 3.000 SV có nhu cầu chỗ ở.
 
Hầu hết SV phải chấp nhận thuê trọ, với chi phí cao, vì chỉ tiêu vào kí túc xá (KTX) của nhà trường quá hạn chế. Đã vậy, không phải ai cũng có cơ hội ở trọ gần trường, bởi lẽ khu vực này vốn không có nhiều nhà trọ cho SV, mà giá lại cao so với túi tiền SV. Còn đối với các bạn ở trọ xa thì lại vất vả, nhất là phải đi bộ quãng đường dài để vào trường vì xe buýt chỉ dừng lại ở xa lộ Hà Nội chứ không có tuyến nào vào trường cả.

Theo chia sẻ của Ban giám hiệu, hiện có 2 khu KTX giải quyết khoảng 200 chỗ ở cho SV. Đối tượng được ở KTX cũng chỉ gói gọn trong danh sách SV con em đồng bào dân tộc, diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn.
 
Khu KTX nhà K đã xuống cấp, luôn bị ngập mỗi khi mưa lớn, dù nền đã được nâng lên gần 1m
Khu KTX nhà K đã xuống cấp, luôn bị ngập mỗi khi mưa lớn, dù nền đã được nâng lên gần 1m.
 
Ông Đỗ Anh Quân, Giám đốc Trung tâm quản lý KTX Trường ĐH Văn hóa TPHCM, cho biết trước đây khu nhà K (cách trường chừng vài trăm mét, ở phường Thảo Điền) là nơi đào tạo SV Campuchia, giờ làm KTX cho SV. Nhà trường cũng xây thêm dãy nhà cấp 4 xung quanh khu nhà này để bố trí thêm chỗ ở. Toàn khu nhà có gần 100 SV nhưng nền nhà thấp hơn mặt đường cả mét, cứ mưa xuống là ngập. Mới đây, nền nhà được nâng lên 0,7m nhưng cảnh ngập vẫn tái diễn.
Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp, đã xuống cấp từ lâu là KTX hiện hữu của nhà trường
Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp, đã xuống cấp từ lâu là KTX hiện hữu của nhà trường.
Bên cạnh đó, trường có 10 căn nhà khác nằm xen kẽ trong khu dân cư (ở phường Thảo Điền) là chỗ ở của hơn 100 SV cũng xuống cấp từ lâu. Tuy nhiên, việc sửa chữa cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, những căn nhà này được nhà nước cho mượn tạm, không biết lấy lại lúc nào nên phía nhà trường cũng hết sức băn khoăn, trong khi kinh phí thì hạn chế.
Thầy trò “dài cổ” chờ KTX mới
Dự án xây dựng cơ sở 2 Trường ĐH Văn hóa TPHCM (phường Phước Long A, quận 9) được phê duyệt từ năm 2008, với các hạng mục công trình gồm nhà học lý thuyết cao 7 tầng phục vụ cùng lúc 3.000 SV theo học; khu nhà Hiệu bộ; nhà thi đấu thể thao đa năng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; và đặc biệt là khu KTX đáp ứng nhu cầu cho 2.000 SV.
 
Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp, đã xuống cấp từ lâu là KTX hiện hữu của nhà trường
Hiện có khoảng 500 sinh viên năm 2 và năm 3 được học tại cơ sở mới này. Chưa có KTX nên lượng sinh viên được bố trí học tại nhà học lý thuyết mới còn hạn chế.
Khu KTX với khối nhà đôi 15 tầng, có tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được khởi công xây dựng từ tháng 2/2010. Theo kế hoạch thực hiện thì dự án sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng. Thế nhưng, đến tháng 8/2012 thì công trình bị ngưng thi công trong khi đã hoàn thành 85% khối lượng công việc do thiếu vốn. Hơn 2 năm “thi gan cùng tuế nguyệt”, tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí lớn.
Tòa nhà KTX “thi gan cùng tuế nguyệt” hơn 2 năm nay, một sự lãng phí lớn.
Tòa nhà KTX ngưng thi công hơn 2 năm nay.
Trao đổi với Dân trí, TS. Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, cho biết: “Nhà trường được cấp 125 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và lúc ấy công trình hoàn thành chừng 85% khối lượng công việc nhưng đành phải ngưng thi công. Bởi, Quyết định 70/2010/QĐ-TTg cho phép đơn vị xây dựng nhà ở cho SV được vay nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, nhưng chỉ được vay đối với “phần xây lắp, thiết bị gắn liền công trình, chi phí quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng”. Vì vậy, đối với các hạng mục khác của công trình, nhà trường phải tự xoay xở nguồn vốn để hoàn thành tiến độ. Thế nhưng, bài toán nguồn vốn hiện chưa có lời giải. Đã hơn 2 năm nay, nhà trường không có nguồn vốn nào để hoàn thành công trình”.
Theo TS. Đỗ Ngọc Anh, tại thời điểm năm 2012, cần 20 tỷ đồng nữa là hoàn thành toàn bộ công trình. Nhưng sau 2 năm chờ đợi, do trượt giá nên số tiền bây giờ lên 48 tỷ đồng. Trong suốt thời gian qua, nhà trường đã có văn bản báo cáo gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xin hỗ trợ cấp vốn để hoàn thành công trình. Phía Bộ cũng đồng ý về mặt chủ trương nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải được sự đồng ý của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ liên quan.
Toàn bộ khu tầng trệt, tầng một trống hoác, các thiết bị, đồ đạc đã được chuyển đi
Toàn bộ khu tầng trệt, tầng một trống hoác, các thiết bị, đồ đạc đã được chuyển đi
Toàn bộ khu tầng trệt, tầng một trống hoác, các thiết bị, đồ đạc đã được chuyển đi.
Mới đây, Trường ĐH Văn hóa TPHCM đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp vốn cho trường. Thứ nhất, cấp luôn 48 tỷ đồng để tiếp tục thi công. Thứ hai, hỗ trợ cơ chế để nhà trường vay vốn kích cầu. TS. Đỗ Ngọc Anh cho biết nguồn vốn vay hoàn thành phần xây dựng và thiết bị là 42 tỷ đồng. Hiện UBND TPHCM đã đồng ý cho nhà trường vay vốn kích cầu, được hỗ trợ trả lãi nhưng phải cam kết trả vốn. Vấn đề này nhà trường đang chờ sự đồng ý từ phía Bộ chủ quản và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nếu chậm trễ, e rằng sẽ gặp khó khăn, có thể mất cơ hội vì chính sách hỗ trợ không có nhiều, mà đối tượng có nhu cầu thì rất lớn.
“Nhìn công trình hàng trăm tỷ đồng đang hàng ngày bị xuống cấp, thầy trò nhà trường không khỏi xót xa. Nếu tình trạng “đắp chiếu” này kéo dài thì chắc chắn sẽ mất số tiền lớn hơn rất nhiều số tiền phải đầu tư thêm. Đây là sự lãng phí rất lớn. Trước đây, trên các diễn đàn, nhà trường vui mừng thông báo với SV là chỉ thời gian ngắn nữa là có KTX mới. Nhưng 2 năm trở lại đây thì chúng tôi không nhắc tới nữa. Hiện khu nhà học lý thuyết (được xây dựng từ vốn ngân sách) đã hoàn thành nhưng cũng bố trí chừng 500 SV học ở đây vì KTX còn dở dang. Đây cũng là nỗi buồn của tập thể nhà trường”, Hiệu trưởng nhà trường thất vọng.
Quốc Anh

Không có nhận xét nào: